Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
QUY HOẠCH
Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô (14/06/2024)

Chiều 11/6, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch chung Thủ đô).

Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Trình bày Báo cáo tóm tắt cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, hồ sơ và trình tự, thủ tục cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị; thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đối với Quy hoạch Thủ đô, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá, số liệu cụ thể đối với hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, làm rõ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, quỹ đất dành cho giao thông thấp, nhất là giao thông tĩnh; tính đồng bộ giữa các phương thực vận tải; việc liên kết giữa các ngành với nhau...; Xác định rõ hơn nguyên nhân của những xung đột, thiếu đồng bộ trong tổ chức không gian và xây dựng kết cấu hạ tầng của các quy hoạch thời kỳ trước…

Đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số nội dung dự báo, dự kiến mới chỉ xác định đến năm 2050 thay vì đến năm 2065 theo tầm nhìn quy hoạch.

Về định hướng phát triển không gian và quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải là quy hoạch cấp dưới, cụ thể hóa và phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và không trùng lặp về mức độ chi tiết với quy hoạch cấp dưới là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Về thực hiện quy hoạch trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm của thời kỳ quy hoạch; đề nghị rà soát, chỉnh lý cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính…

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, qua rà soát cho thấy 02 bản quy hoạch này có nhiều nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết, do đó có thể dẫn đến chồng chéo, mẫu thuẫn và gây khó khăn trong việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Vì vậy, đề nghị các cơ quan lập, thẩm định các quy hoạch phối hợp chặt chẽ để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm nguyên tắc: Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là quy hoạch cụ thể hóa, chi tiết hơn Quy hoạch Thủ đô và việc điều chỉnh phải thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Phát triển Thủ đô gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Theo Tờ trình của Chính phủ, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô, như: Khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm với Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng; Phát triển Thủ đô gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn và nguồn nhân lực chất lượng cao; Hoàn thiện hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, thống nhất và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên đối với Thủ đô; Phát triển đô thị “xanh, văn minh, hiện đại, có bản sắc”, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực phát triển chủ yếu.

Tờ trình Quy hoạch Thủ đô cũng đề xuất 07 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện quy hoạch, là tiền để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai, gồm: Huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; Thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Tờ trình cũng nêu rõ quan điểm, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với phát triển Thủ đô Hà Nội…

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm như: Phát triển liên kết vùng; Hà Nội - Trung tâm động lực vùng và quốc gia; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Sông Hồng - Biểu tượng phát triển của Thủ đô; Áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”; Phát triển Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; Chiến lược Hành lang xanh; Cải thiện môi trường; Hành động thực hiện quy hoạch…

Hai quy hoạch phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô trước khi phê duyệt là đúng với quy định và phù hợp với thẩm quyền.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng, Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, 02 quy hoạch cần rà soát, tránh nội dung trùng lặp, chồng chéo, gây khó khăn trong việc lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Bên cạnh quy hoạch tổng thể, cũng cần quan tâm, giải quyết phù hợp các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề ùn tắc giao thông; ngập úng, thoát nước trong mùa mưa; quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường phổ thông…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị hồ sơ của hai quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, Tờ trình hai quy hoạch để trình Quốc hội tới đây, cần lưu ý một số nội dung như: Rà soát, đảm bảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tuân thủ Luật Quy hoạch; Bám sát Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; Có tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội, tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.

Hai quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; không chồng chéo, mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống giao thông cảng hàng không, sân bay; quy hoạch bảo vệ môi trường, mạng lưới trường đại học, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao; quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu bổ sung đánh giá số liệu cụ thể đối với hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, làm rõ hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng đô thị, quỹ đất dành cho giao thông; tính đồng bộ giữa các phương thức vận tải; việc liên kết giữa các ngành; đánh giá kỹ hơn điểm nghẽn, tồn tại, hạn chế của các quy hoạch thời kỳ trước để hoàn thiện quy hoạch Thủ đô.

Đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, đề nghị bổ sung một số nội dung dự báo, dự kiến như: Dự báo về dân số cho phù hợp với thời kỳ, tầm nhìn mới của quy hoạch; rà soát hoàn thiện các chương trình, dự án đột phá trọng tâm của thời kỳ quy hoạch phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính và đặt trong mối quan hệ với các địa phương khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh Hồ sơ tài liệu, Tờ trình về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội; Ủy ban Kinh tế hoàn chỉnh các báo cáo trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Theo Baoxaydung.com.vn

 

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: