Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
QUY HOẠCH
Hoàn thiện ‘đề bài’ cho việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia (20/05/2020)

Đây là mục đích của phiên họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì sáng 19/5 tại Trụ sở Chính phủ.

hoan thien de bai cho viec lap quy hoach tong the quoc gia Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về quy hoạch.

Thực hiện bài bản

Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2017 đã đưa ra nhiều quan điểm, cách làm mới, khắc phục nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch thời gian qua.

Theo đó, có 4 Quy hoạch cấp quốc gia là Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch ngành quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Để triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, ngày 14/2/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Thành viên Hội đồng là bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và một số chuyên gia về quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các đơn vị nghiên cứu quy hoạch đã cơ bản xây dựng được các nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học.

Trên cơ sở đó, cuộc họp của Hội đồng thẩm định sẽ xem xét trước khi trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ, các bộ, ngành, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiến hành xây dựng các cấu phần cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch này phải được Quốc hội thông qua, dự kiến trong năm 2021.

hoan thien de bai cho viec lap quy hoach tong the quoc gia
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việc khó, chưa từng làm

Tại cuộc họp, các ý kiến thảo luận đều nhất trí cho rằng Quy hoạch tổng thể quốc gia là một quy hoạch mới, vừa mang tầm vóc của chiến lược phát triển quốc gia, vừa có tính chất vật thể, không gian. Việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phân bố không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đang được xây dựng, trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

“Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc rất hệ trọng nhưng cũng rất khó, chưa từng có tiền lệ, không có nhiều kinh nghiệm quốc tế. Quy hoạch phải có tính khả thi cao, thể hiện được tầm nhìn chiến lược và phải có các nội dung phù hợp. Để đạt mục tiêu này, phải có một “đề bài” rất rõ, đấy chính là các nhiệm vụ quy hoạch”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Đồng tình với nhận định này, các ý kiến thảo luận cũng cho rằng chỉ khi đưa ra được các định hướng đúng, yêu cầu đầy đủ thì mới có thể triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia một cách khoa học nhưng vẫn có không gian cho sự sáng tạo.

Các ý kiến thảo luận cũng cho rằng những vấn đề đưa vào Quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tính định hướng cao, mang tính chiến lược, không đi vào các vấn đề cụ thể, vụn vặt (sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là điều chỉnh quy hoạch do phải trình Quốc hội phê duyệt).

Tuy nhiên, do là loại quy hoạch mới, lần đầu tiên được nghiên cứu lập ở Việt Nam nên kiến thức và kinh nghiệm về nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể quốc gia hoàn toàn chưa có. Đồng thời, kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới đối với loại quy hoạch này cũng hết sức hạn chế.

Các đại biểu cũng phát biểu, làm rõ, cụ thể thêm nhiều nội dung đối với các nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, cơ bản thống nhất với các nội dung của nhiệm vụ lập Quy hoạch, bao gồm quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận; các nội dung của nhiệm vụ lập Quy hoạch; việc tổ chức lập Quy hoạch…

hoan thien de bai cho viec lap quy hoach tong the quoc gia
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phương pháp đúng dần

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển, các bộ, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học đã nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 để trình Hội đồng thẩm định.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ để sớm trình Chính phủ theo quy định.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do phải thực hiện song song, gần như đồng thời các Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia nên phải có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan bộ, ngành Trung ương, các địa phương; huy động sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà khoa học ở từng ngành, lĩnh vực.

“Cách làm chung là không quá cầu toàn, ‘theo phương pháp đúng dần’, không máy móc, phụ thuộc”, Phó Thủ tướng nói.

Về quan điểm, Phó Thủ tướng lưu ý việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia phải phù hợp với Cương lĩnh xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm phân bổ và huy động hợp lý các nguồn lực quốc gia bảo đảm phát triển nhanh và bền vững phải có tính định hướng cao, thể hiện rõ các quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, định hướng 2045-2050, phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Đồng thời, thể hiện được việc định hướng không gian phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; tạo sự gắn kết hài hoà giữa phát triển với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thể hiện được sự kế thừa, phát triển các quy hoạch hiện có.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải quán triệt rất rõ nguyên tắc các quy hoạch phải phù hợp với nhau, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện đồng thời các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh.

Về nội dung, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Chiến lược) tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật các ý kiến đóng góp; hoàn thiện hệ thống các nhiệm vụ quy hoạch trình Chính phủ quyết định.

 

Theo BaoChinhphu.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: