![]() |
BĐS | ![]() |
Hà Nội tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án
(25/04/2025)
Hà Nội hiện có khoảng 1.000 dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do những bất cập trong chính sách pháp luật, nhất là sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Trước thực tế này, Hà Nội đang tập trung tháo gỡ nhằm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Khó khăn do chính sách thay đổi Dự án đầu tư xây dựng đường Tam Trinh trên địa bàn quận Hoàng Mai với tổng mức đầu tư lên tới 3.354 tỷ đồng đã trải qua 4 lần điều chỉnh mốc thời gian bàn giao mặt bằng. Dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2012, triển khai trên tuyến đường dài khoảng 3,5km qua các phường: Hoàng Văn Thụ, Yên Sở, Mai Động. Sau hơn 10 năm, khối lượng thi công của nhà thầu mới đạt khoảng 15-18% giá trị hợp đồng (tương đương hơn 294 tỷ đồng), chủ yếu do thiếu mặt bằng triển khai. Dù đã hoàn tất xác nhận nguồn gốc đất vào cuối năm 2024, nhưng do sự thay đổi của Luật Đất đai 2024 và chính sách giá đất mới, địa phương buộc phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ, khiến tiến độ bị kéo dài. Một vướng mắc khác là chính sách bồi thường đối với công trình không hợp pháp. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt lý giải, trước đây, những công trình xây dựng không phép vẫn được xem xét hỗ trợ, nhưng Luật Đất đai 2024 không còn quy định này, nên nhiều hộ dân trên tuyến đường Tam Trinh không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ. Là tuyến giao thông trọng điểm kết nối phía Nam Hà Nội với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và quốc lộ 1A, Dự án đường trục phát triển kinh tế phía Nam dài 41,5km vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhất là khu vực trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Theo đó, cuối năm 2023, UBND huyện Ứng Hòa đã hoàn tất đo đạc, kiểm đếm và xác nhận nguồn gốc đất, nhưng khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, nhiều hộ dân yêu cầu áp dụng mức giá bồi thường mới thay vì giá cũ, khiến quá trình thương lượng kéo dài. Dự án đường Láng - Hòa Lạc kéo dài giai đoạn 2 đoạn qua huyện Thạch Thất cũng đang gặp khó khăn do sự chuyển tiếp giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Dù đã bàn giao 98,64% diện tích đất và hoàn tất 99,77% công tác di dời mộ phần, nhưng đến nay vẫn còn 10,9ha chưa được giải phóng mặt bằng... Tìm hướng tháo gỡ để kịp tiến độ Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.448 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai 2013 và tiếp tục triển khai theo Luật Đất đai 2024, với tổng diện tích hơn 12.430ha. Tuy nhiên, quá trình chuyển tiếp giữa hai luật đã phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Một trong những điểm nghẽn lớn là quy định về thông báo thu hồi đất. Theo Điều 85, Luật Đất đai 2024, trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo trước ít nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều dự án đã ra thông báo thu hồi, nhưng chưa hoàn tất thủ tục trong thời gian quy định, dẫn đến việc mất hiệu lực và không thuộc diện được chuyển tiếp theo Luật Đất đai 2024. Quá trình chuyển đổi giữa hai luật cũng đặt ra thách thức trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các dự án đã thực hiện một số bước theo Luật Đất đai 2013, như kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường..., nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi hoặc phê duyệt phương án bồi thường. Khi áp dụng theo quy định mới, hàng loạt vấn đề phát sinh, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí, thay đổi chính sách hỗ trợ và tái định cư. UBND thành phố Hà Nội đang tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là đối với những dự án chịu sự điều chỉnh của cả Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Cụ thể, đối với các thông báo thu hồi đất chưa quá 12 tháng, các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành, không phải thực hiện lại theo Luật Đất đai 2024... Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các dự án đã hoàn tất quy trình theo Luật Đất đai 2013 tiếp tục triển khai, không cần làm lại từ đầu, tránh lãng phí thời gian và ngân sách. Đối với các dự án áp dụng Luật Đất đai 2024, nhưng chính sách không thay đổi và người dân đồng thuận, các cơ quan chức năng có thể tiến hành ngay các bước tiếp theo. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Anh Quân cho biết, so với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người dân bị thu hồi đất. Một trong những thay đổi đáng chú ý là cách tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được xác định theo giá đất cụ thể, trong khi nhận đất tái định cư được tính theo bảng giá đất của thành phố. Hơn nữa, trong công tác tái định cư, quy định mới yêu cầu phải hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất, tránh tình trạng người dân phải chờ đợi kéo dài như trước đây. Hạn mức đất tái định cư cũng có sự điều chỉnh theo Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND của UBND thành phố, với mức tối thiểu từ 50m² đến 150m², tùy theo khu vực (cao hơn nhiều so với trước đây). Theo hanoimoi.vn CÁC TIN KHÁC
![]() ![]() ![]() |