KINH TẾ, XÃ HỘI |
Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu
(24/12/2014)
Theo ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Một số sản phẩm của Việt Nam đã xác lập được thương hiệu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều quan trọng là phải định hướng cho các địa phương để phát huy khả năng hội nhập. Do vậy, đây là cơ hội để các Ban Hội nhập kinh tế quốc tế các tỉnh phía Bắc trao đổi kinh nghiệm và thảo luận, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc triển khai công tác hội nhập trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh sau gần 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Có thể nói, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, tiếp thu tinh hoa và văn minh nhân loại, cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, hội nhập còn giúp củng cố niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng quốc tế vào sự nghiệp phát triển và đổi mới của đất nước, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và đa dạng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế Việt Nam. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 tăng bình quân 22,5%/năm. Không những thế, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện các địa phương cũng đã nhận thức và tham gia sâu vào quá trình hội nhập. Là một trong những tỉnh tham gia tiến trình hội nhập sâu rộng, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, cho hay trên cơ sở những văn bản của Đảng và Nhà nước ban hành, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã tiến hành triển khai các công việc như thành lập Ban hội nhập quốc tế của tỉnh và triển khai đến các ngành các cấp. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế sẽ có những tác động lớn tới nền kinh tế chung cũng như của địa phương, nhất là đối với các doanh nghiệp, vì vậy tỉnh rất tích cực trong công tác tuyên truyền thông tin về vấn đề này. Các thành phố lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước có sự thuận lợi hơn các địa phương khác khi tiếp cận và lĩnh hội cơ hội từ hội nhập. Song vẫn có những khó khăn do yếu tố khách quan và chủ quan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhiều thuận lợi hơn so với các tỉnh khác. Do vậy, các doanh nghiệp Hà Nội đã tổ chức, triển khai nắm bắt các cơ hội tương đối nhanh. Tuy nhiên việc tham gia vào tiến trình Hội nhập các doanh nghiệp Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn nên Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố thực hiện tốt công tác tuyên tuyền để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định song phương và đa phương với các nước. Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào việc khái quát chủ trương, chính sách và tình hình hội nhập của Việt Nam hiện nay, thực tiễn hội nhập trong và ngoài nước. Cùng đó, các đại biểu cũng đánh giá thực trạng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là một số vấn đề mới đang đặt ra với công tác hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện. Ngoài ra, đại diện các địa phương kiến nghị, có những khó khăn riêng trong việc hội nhập đối với từng địa phương. Trong đó những địa phương có tính đặc thù như các tỉnh miền núi, thì việc tạo điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế cũng rất quan trọng. Đặc biệt là vấn đề thu hút đầu tư. Theo TTXVN/Vietnam+
CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|