Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh thu hút FDI trong bối cảnh mới? (18/11/2022)

Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã có những chia sẻ về việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh thu hút FDI trong bối cảnh mới? Công ty trách nhiệm hữu hạn CCGrass Việt Nam, chuyên sản xuất thảm cỏ nhân tạo, có vốn nước ngoài đầu tư tại khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.

Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, bối cảnh mới với nhiều thay đổi trong bức tranh kinh tế toàn cầu, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia nhất là các quốc gia đang phát triển tương đồng cũng ngày càng gay gắt, Việt Nam cần làm những gì để phát huy lợi thế và đẩy mạnh thu hút FDI trong bối cảnh mới?

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

- Trong bối cảnh dịch COVID-19 và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đang có xu hướng dịch chuyển luồng vốn đầu tư nước ngoài. Xu hướng này cụ thể là gì, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Vài năm gần đây, xu hướng vốn FDI có những thay đổi đáng kể. Dưới tác động của các nhân tố quan trọng mang tính toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng nhất là xung đột Nga và Ukraine, FDI toàn cầu có nhiều thay đổi.

Trước hết, FDI cũng có thay đổi một chút về lượng, chủ yếu luồng vốn FDI vào các lĩnh vực phát triển bền vững, mà chủ yếu là các dự án FDI năng lượng tái tạo cũng như tăng trưởng xanh.

Nhóm thứ hai cũng khá quan trọng và chiếm vị thế gần đây là kinh tế số.

Có thể thấy, xu hướng FDI hướng vào phát triển bền vững đã được hình thành từ trước.

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine, xu hướng này có thể gặp khó khăn và bị tác động ngày càng lớn kể từ năm 2022.

Ngoài ra, FDI vào lĩnh vực phát triển bền vững cũng có những xu hướng không thuận lợi. Chẳng hạn, những dự án FDI về điện gió, khi làm xong điện lại quá yếu. Những dự án khác như về điện Mặt Trời lại chịu tác động của việc nắng không đủ.

Xung đột Nga và Ukraine diễn ra khiến việc này trở nên trầm trọng và nhiều nước đã phải chuyển đổi mô hình sử dụng năng lượng tái tạo sang than, loại năng lượng gây hại cho môi trường.

Về nhóm kinh tế số, đại dịch COVID-19 có tác động sâu rộng đối với lĩnh vực này.

Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung cũng như tác động của đại dịch COVID gần đây cũng khiến việc đứt gãy chuỗi cung ứng nhất là liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn.

Các doanh nghiệp dịch chuyển xu hướng từ toàn cầu đến định vị lại vị trí đầu tư, dịch chuyển về thị trường tiêu thụ, lĩnh vực điện tử về Mỹ, châu Âu (EU) hay Nhật Bản, đồng thời dịch chuyển về những nơi đầu tư lớn nhất là Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Xét về vùng lãnh thổ, châu Á-Thái Bình Dương vẫn là một khu vực có FDI lớn nhất và Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt Trung Quốc để trở thành nước có FDI lớn nhất. Bởi Trung Quốc đã chịu tác động tiêu cực lớn từ đại dịch COVID-19 và do nước này duy trì chiến lược Zero COVID, khiến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng thêm trầm trọng khiến thu hút FDI bị thấp.

- Trước xu hướng mới đó, ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong đón luồng vốn đầu tư này?

Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Trước khi nhìn nhận được đâu là cơ hội và thách thức, chúng ta phải nhìn nhận FDI vào một nước theo các động lực chính. Động lực đầu tiên, nguồn vốn FDI vào để nâng cao hiệu quả đầu tư với điều kiện trong nước không còn hiệu quả. Động lực thứ hai là để khai thác thị trường hiện tại. Thứ ba là để khai thác tài nguyên hay lấy những tài sản chiến lược. FDI vào Việt Nam thuộc hai dạng đầu.

Việt Nam có dân số tương đối trẻ, hơn 92 triệu dân, là nước duy nhất có dân số đông tham gia vào 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Điều này giúp thu hút vốn FDI vào Việt Nam, đồng thời có thể chiếm lĩnh được thị trường toàn cầu, nhất là dưới tác động tích cực của FTA thế hệ mới.

Việt Nam chủ yếu có mức nhân công và giá thuê bất động sản tương đối rẻ, tạo nhiều thuận lợi cho nước ngoài đầu tư. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế chính trị, vị trí địa kinh tế của Việt Nam khá thuận lợi.

Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động, gần với thị trường lớn Trung Quốc và đặc biệt việc vận chuyển logistic không bị gián đoạn lớn.

Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh thu hút FDI trong bối cảnh mới?
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Telstar Việt Nam, Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang (vốn đầu tư của Anh) trong dây truyền sản xuất thiết bị điện tử. (Ảnh: TTXVN)

Trước mắt, lợi thế thu hút FDI của Việt Nam vẫn là giá nhân công và giá thuê đất rẻ.Nhưng về dài hạn, Việt Nam có những bất lợi. Đó là kết cấu hạ tầng chưa bằng các nước trong khu vực; chất lượng nguồn nhân lực chưa tốt và đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đủ phát triển để doanh nghiệp FDI có thể hợp tác nâng cao hiệu quả cũng như tăng tính chủ động trong bối cảnh những cú sốc về xung đột địa chính trị khu vực hay toàn cầu đang xảy ra như hiện nay.

- Nhiều chuyên gia cho rằng việc kết nối doanh nghiệp nội-ngoại vẫn còn hạn chế. Hiện còn ít doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông, cần giải pháp gì cho vấn đề này?

Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Bất cập ở đây là doanh nghiệp trong nước còn yếu kém trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI. Yếu kém đầu tiên trên phương diện giá cả chưa cạnh tranh, thứ hai là chất lượng chưa tốt và thứ ba là khả năng giao hàng đúng thời điểm. Thêm nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu kém.

Cuối cùng, Việt Nam vẫn chưa thiết kế được những nhóm chính sách, cơ chế để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh doanh nghiệp FDI.

- Để thu hút được luồng vốn FDI, chúng ta có cần điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài không thưa ông? Nếu có thì điều chỉnh theo hướng nào?

Tiến sỹ Lê Xuân Sang: Việc điều chỉnh chính sách mang tính căn cơ vốn là việc Việt Nam đã làm nhưng chưa hiệu quả, đó là cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều địa phương có chất lượng nguồn nhân lực tốt sẽ giúp thu hút FDI tốt hơn. Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực để thu hút FDI là điều rất quan trọng.

- Xin cảm ơn ông./.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: