KINH TẾ, XÃ HỘI |
Vận hành thử tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 15/12
(30/11/2016)
Đó là khẳng định của ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội tại buổi giao ban chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29/11.
Do buýt nhanh (BRT) chạy trên làn đường bê tông dành riêng tại mỗi tuyến đường đi qua nên Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án tổ chức, điều hành giao thông cho buýt BRT hoạt động. Cụ thể, đối với các đoạn từ Ba La - nút giao Giảng Võ - Cát Linh, tổ chức phân làn bằng vạch sơn liền kết hợp đinh phản quang, trong đó bố trí tăng dày đinh phản quang tại các đoạn nhà chờ. Đối với các đoạn từ Ba La - Yên Nghĩa và từ Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ, thực hiện phương án tổ chức giao thông hỗn hợp cho BRT đi chung với các phương tiện khác. Ngoài ra, tại các điểm quay đầu xe, Sở GTVT thực hiện phương án đóng tạm thời để đảm bảo linh hoạt tổ chức giao thông sau này, trừ điểm quay đầu trước cổng Triển lãm Giảng Võ, thực hiện đóng cố định để thi công cầu thang bộ và cầu đi bộ và lối đi tiếp cận nhà chờ, điều chỉnh lại điểm quay đầu tại khu vực này đảm bảo an toàn, thuận tiện giao thông. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, TCty đã thành lập Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT để trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác tuyến buýt nhanh BRT theo yêu cầu của UBND TP. Hiện đang hoàn thiện mô hình tổ chức và tuyển dụng bộ máy nhân sự điều hành, nhân viên phục vụ và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến buýt nhanh BRT. Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề về thời gian đưa vào vận hành và khó khăn khi đưa tuyến buýt nhanh vào sử dụng, ông Quang cho biết: Hà Nội đang xây dựng phương án tổ chức vận hành, trước mắt giải quyết tần suất 5phút/chuyến, từ Kim Mã đến Yên Nghĩa mất 45 phút. “Trên đoạn đường này sẽ tính toán lại tổ chức giao thông theo hướng có đèn tín hiệu ưu tiên, một số đoạn tuyến (ra vào vòng xe) khả năng sẽ bịt lại; hạn chế bớt xe ô tô, taxi không cần thiết đi vào tuyến này. Hiện phương án chính thức đang chờ Thành phố phê duyệt, dự kiến đến ngày 15/12 sẽ đưa vào vận hành thử” – ông Hà Huy Quang nhấn mạnh. Cũng tại buổi giao ban, ông Quang cho biết, tính đến tháng 11/2016, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Thủ đô Hà Nội gồm 97 tuyến, trong đó 73 tuyến buýt có trợ giá; 11 tuyến buýt không trợ giá, 9 tuyến buýt kế cận; 4 tuyến thí điểm. Dự kiến sản lượng vận chuyển các tuyến buýt trợ giá đạt 395,7 triệu lượt hành khách. Trong năm 2016, mạng lưới tuyến tiếp tục được mở rộng, cải thiện, hợp lý hóa. Trong năm, nhiều huyện ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ như huyện Quốc Oai, Xuân Mai, khu đô thị Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp, Kiến Hưng. Dự kiến trong tháng 12/2016 tiếp tục đưa vào vận hành 4 tuyến mới (Nhổn – Tây Đằng, Yên Nghĩa – Phú Túc- Yên Nghĩa – Sơn Tây, Kim Mã – Nội Bài) đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 101 tuyến. “Chất lượng phục vụ của xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực. Các chuyến lượt vận hành được bảo đảm chiếm tỷ lệ cao (99,8%). Các chuyến lượt được quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn (số chuyến lượt bỏ giảm 8%, số vi phạm giảm 6%)”, ông Quang khẳng định. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc TCty Vận tải Hà Nội cho biết: Một số tuyến buýt mới với chất lượng cao như xe mới, màu sơn, nhận diện thương hiệu mới, đồng phục nhân viên mới, wifi miễn phí. Đến nay TCty đã lắp đặt wifi miễn phí trên 15 tuyến với 200 xe. Kế hoạch, trong quý 2/2017 sẽ lắp đặt trên tất cả các tuyến được đưa vào vận hành. “Theo kế hoạch, năm 2017 sẽ điều chỉnh dịch vụ cho 33 tuyến, đưa vào vận hành BRT và 14 tuyến buýt đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 115 tuyến, phát triển thêm 300 nhà chờ mới cũng như đổi mới, đa dạng hóa hình thức bán vé và các loại vé cho khách du lịch, triển khai các dự án ứng dụng công nghệ vé thông minh phù hợp với nhu cầu của hành khách” , ông Quang nói. Theo baoxaydung.com.vn CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|