KINH TẾ, XÃ HỘI |
Vẫn chưa có tiền để tăng lương 2015
(13/10/2014)
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tinh thần quốc gia phải kiếm ra được tiền, ngân sách không thể chỉ làm ra để ăn, thậm chí ăn hết cả phần dự trữ. Ngân sách và câu chuyện chi - tiêu ra sao chiếm sự quan tâm lớn của UBTVQH trong phiên họp sáng nay liên quan các báo cáo về kinh tế, xã hội và ngân sách trong năm 2014, kế hoạch 2015 của Chính phủ. Vẫn là câu chuyện làm sao thu được nhiều và tiêu hiệu quả nhưng hàng loạt vấn đề đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế cần khỏe để phát triển ổn định, bứt phá.
Vay tiền ào ào làm sao phát triển Con số thu (ngân sách) của năm nay ước vượt 52 nghìn tỷ đồng trong các báo cáo theo đánh giá của Chủ tịch QH là mức khiêm tốn hơn khả năng thực tế. Còn 1 quý cuối cùng của năm, ông cho rằng, hoàn toàn có thể đạt mức thu cao hơn nữa. Mức khả thi mà ông dự tính có thể đạt là 80 nghìn tỷ đồng trở lên, mức 'không tính cạn phấn đấu' của địa phương, các ngành như thuế, hải quan và vẫn đủ dư địa để phấn đấu trong 2015. "Tôi đề nghị tính lại để còn đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng thu 15% trong năm tới" - Chủ tịch QH kiến nghị. Ông Nguyễn Xuân Cường - Ban Kinh tế TƯ cũng đồng tình mức thu ngân sách trong năm nay có thể vượt 52 nghìn tỷ đồng, đồng thời kiến nghị nghiên cứu thực tế thu để trong năm tới có thể lập kế hoạch chi tiêu ngay từ đầu sát thực tế, tránh bị động trong điều hành. Về cơ cấu ngân sách, Chủ tịch QH - người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính - nhận định, với 72% dành chi thường xuyên, còn lại vừa trả nợ, vừa đầu tư phát triển, đây là cơ cấu xấu. Ông lo lắng việc này có thể làm gia tăng vay nợ, tăng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu, rồi đảo nợ. "Thu lấy mà chi, phát hành trái phiếu lu bù để chi, vay lu bù để chi....Phải tích lũy được tiêu dùng, làm ra phải có của ăn, của để dành. Để dành một là đầu tư, hai là dự phòng. Nếu ăn hết thì lấy gì mà dự trữ..." Không thể "cứ ngồi chờ trong túi có bao nhiêu để chi", ông nhấn mạnh tinh thần quốc gia phải kiếm ra được tiền, ngân sách không thể chỉ có làm ra để ăn, thậm chí ăn hết cả phần dự trữ. Do đó việc cân bằng thu chi là quan trọng. Ông nhắc Bộ trưởng KH&ĐT trong tính toán cân đối túi tiền quốc gia dù "đổi mới" không được quên bài toán cơ bản, không thể tính theo cách cho hết năm 2015 là xong mà phải tính gối dài hơi, cho các năm kế tiếp. Theo đó, Chủ tịch QH kiến nghị phải trở về bài toán cơ bản của ngân sách đó là "50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư, 20% trả nợ". "Phải đặt ra khó khăn để giải quyết căn bản lâu dài. Cứ vay tiền ào ào thì không phát triển đất nước, trả nợ không được thì đến ngày là sụp". Chủ tịch QH không đồng tình việc đánh giá ngân sách thu giảm do nợ thuế khó thu, nhấn mạnh việc tập trung giải quyết nợ ngân hàng trong năm tới để đảm bảo hoạt động lành mạnh, làm ăn có lãi, cổ tức và dự phòng. Không thể kích dự phòng để trám nợ khiến dự phòng hết. Theo Chủ tịch QH, lĩnh vực tài chính, tiền tệ đều chưa an toàn nên ổn định kinh tế vĩ mô phải đảm bảo được chất lượng ổn định. Ngay cả việc nhập khẩu cũng phải tính toán lại cụ thể, không thể để cán cân nhập khẩu vênh quá lớn so với xuất khẩu khi từ kim chỉ, sợi, ngô, đậu tương....những thứ hoàn toàn có thể tự sản xuất được cũng phải nhập. Tỏ ra sốt ruột, Chủ tịch QH nhắc về mức độ cạnh tranh của VN so với các nước trong khu vực. "10 ông VN mới bằng 1 ông Malaysia, 30 ông VN mới bằng một ông Singapore... Làm sao hội nhập quốc tế được, phải phân tích sâu hơn giải pháp". Không thể không tăng lương Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc việc hoãn điều chỉnh tăng lương trong 2014 do không thể bố trí nguồn thực hiện. Hiểu đây là cái khó của Chính phủ, song bà cũng đặt câu hỏi liệu có nên tiếp tục hoãn điều chỉnh tăng lương trong năm tới do ngân sách khó khăn."2014 đã hoãn tăng lương, 2015 cũng không thể bố trí nguồn, dư luận hơi băn khoăn, nhưng nếu tăng lương thì tiền ở đâu?". Chủ tịch QH cũng nói: "Không thể không tăng lương được đâu". Chủ tịch Hội đồng dân tộc QH Ksor Phước kiến nghị "năm tới phải giải quyết vấn đề lương". UB Tài chính - Ngân sách trong thẩm tra báo cáo ngân sách của Chính phủ cũng cho rằng cần tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống cho một bộ phận cán bộ, công chức thu nhập thấp trong bộ máy hành chính. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp, tăng lương cơ bản sẽ kéo theo áp lực tăng chi ngân sách lớn nên cần cân nhắc để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh. CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|