KINH TẾ, XÃ HỘI |
Triển vọng Ngân hàng Việt Nam nâng từ “tiêu cực” lên “ổn định”
(11/12/2014)
Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's vừa nâng triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ tiêu cực lên ổn định, bởi môi trường kinh doanh ổn định, tình hình vĩ mô và sức ép thanh khoản được cải thiện.
Báo cáo “Triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam" được bà Gene Fang - Phó Chủ tịch Moody’s công bố đánh giá: Ổn định vĩ mô đã củng cố thanh khoản trên toàn hệ thống. Tăng trưởng tiền gửi gần đây cũng được cải thiện, nhờ các chính sách của Chính phủ nhắm vào giảm tiết kiệm vàng và ngoại tệ. Các ngân hàng đang giảm phụ thuộc vào nguồn vốn vay liên ngân hàng, do việc này làm tăng rủi ro thanh khoản hệ thống. Vì tỷ lệ vay liên ngân hàng cao cũng có nghĩa tình trạng kẹt vốn tại một nhà băng sẽ nhanh chóng lan sang nhiều nhà băng khác. Báo cáo của Moody’s dựa trên 5 yếu tố: Môi trường hoạt động (được đánh giá ổn định), tình trạng cấp vốn và thanh khoản (đang cải thiện), chất lượng tài sản và nguồn vốn (đang suy giảm), lợi nhuận và hiệu suất (đang suy giảm) và sự hỗ trợ hệ thống (ổn định). Báo cáo chỉ ra môi trường hoạt động tại Việt Nam đang bắt đầu ổn định, sau đợt suy yếu năm 2012. Lạm phát và lãi suất trong nước cũng đã giảm dần trong 2 năm qua từ mức 2 chữ số. Sức ép tỷ giá cũng đã hạ nhiệt. Điểm khích lệ nữa là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI ) tăng cao, cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, và chính sách ưu tiên ổn định tăng trưởng cũng góp phần cải thiện tình hình. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra dù các cải thiện gần đây về chuẩn mực quản lý đã củng cố triển vọng phục hồi cho các ngân hàng. Tuy nhiên, các vấn đề tín dụng còn tồn tại cho thấy sự phục hồi này sẽ còn chậm chạp. Dự phòng rủi ro tín dụng và vốn vẫn chưa đủ và các lựa chọn huy động vốn còn hạn chế do khả năng tự tạo vốn của ngân hàng yếu, ngân sách Chính phủ không nhiều và giới hạn về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng. Về khả năng sinh lời, Moody’s đánh giá các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu sức ép, do nhu cầu vay vốn mới giảm sút và chênh lệch lãi suất huy động-cho vay có khả năng giảm. Lợi nhuận có thể cải thiện nếu giá bất động sản hồi phục hoặc lĩnh vực bán lẻ tạo ra nhu cầu vay vốn lớn hơn (nhiều tài sản thế chấp của ngân hàng là bất động sản). CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|