KINH TẾ, XÃ HỘI |
Tổng kiểm tra các hệ thống xả thải ra Hồ Tây
(17/10/2016)
Trước hiện tượng cá chết bất thường, đoàn liên ngành của quận Tây Hồ sẽ rà soát toàn bộ hệ thống xả thải của cá nhân, đơn vị quanh hồ. Sáng 12/10, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, quận sẽ lập tổ công tác liên ngành do một Phó chủ tịch quận dẫn đầu trực tiếp kiểm tra hệ thống xả thải ra Hồ Tây. Liên quan nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây với tổng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, lãnh đạo quận Tây Hồ cho hay, nhà máy được đầu tư theo hình thức BT, sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao cho thành phố quản lý, khai thác.
“Hiện nhà máy mới xong đầu tư giai đoạn 2, một số đơn vị đã có thỏa thuận đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, một số đơn vị chưa, dù trước đó quận đã có văn bản đề nghị phường vận động các đơn vị trên địa bàn hợp tác”, đại diện quận Tây Hồ nói. Trước đó, Công ty Phú Điền - nhà đầu tư hệ thống thu gom nước thải quanh Hồ Tây cho biết đến 3/10, "chưa đơn vị nào thực hiện thỏa thuận đấu nối xử lý nước thải với công ty".
Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Hùng Vương, Phó trưởng ban quản lý Hồ Tây, cho biết, khoảng 30 cống vẫn hàng ngày xả thải trực tiếp xuống hồ. “Cống lớn nhất còn gọi là cống Tàu Bay (số 10 Nguyễn Đình Thi) mỗi ngày xả ra hồ hàng nghìn mét khối nước thải”, ông Vương nói và giải thích sự tồn tại của những chiếc cống trên là do “lịch sử để lại”. Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây với khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Kết quả kiểm tra nhanh với các mẫu nước cho thấy “toàn bộ nước mặt Hồ Tây không có oxy”. Cùng các đơn vị nghiệp vụ của Hà Nội, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Công an phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.
CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|