KINH TẾ, XÃ HỘI |
Tiến độ thực hiện các công trình giao thông cấp bách tại Hà Nội
(12/10/2016)
Để đảm bảo an toàn giao thông, Hà Nội đã đề xuất xây dựng 8 công trình khẩn cấp, áp dụng hình thức giao thầu, không thông qua đấu thầu. Tính đến nay mới có 3 dự án đã được khởi công, 5 dự án chờ phân bổ nguồn vốn. Cuối tháng 8, UBND TP Hà Nội tiếp tục ký phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. 8 dự án giao thông cấp bách Tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận cho TP Hà Nội triển khai đầu tư xây dựng 8 công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Trong đó có 2 công trình là cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên và cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên. Cụ thể, 8 dự án giao thông cấp bách và cần hoàn thành trong năm 2016 được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất triển khai bao gồm: (1) Cải tạo mở rộng và cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, (2) cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, (3) cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, (4) cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, (5) Cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, (6) Nút giao Cổ Linh: giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn phía Bắc cầu Vĩnh Tuy, (7) Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, (8) Đường vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Tính đến nay mới chỉ có 3 dự án đã được khởi công là: cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, cầu vượt tại nút giao Cổ Linh: giao giữa đường Cổ Linh và đường dẫn phía Bắc cầu Vĩnh Tuy và đường vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long vừa được khởi công ngày 5/10 mới đây. Với 5 dự án chờ phân bổ nguồn vốn, theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông (GTVT) Hà Nội, thời gian tới, TP sẽ khởi công cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên, dự kiến hoàn thành năm 2017. Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 dự kiến khởi công trong năm 2016 và hoàn thành năm 2018. Dự án cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc sẽ được tách thành hai dự án "cầu vượt nút giao" và "mở rộng đường Phạm Ngọc Thạch". Với dự án cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị và cầu vượt tại nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, do mặt bằng xây dựng chật hẹp, cơ quan chức năng đang nghiên cứu tổ chức lại giao thông. Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND TP cho phép nghiên cứu làm cầu vượt tại nút giao Ô Chợ Dừa và Tôn Đức Thắng - Quốc Tử Giám thay thế trong khi nghiên cứu dự án trên. Các dự án đã khởi công, phê duyệt Sáng 29/5, UBND TP Hà Nội tổ chức khởi công xây dựng cầu vượt nút giao Ô Đông Mác-Nguyễn Khoái. Với cây cầu vượt này, các phương tiện đi từ đường Lò Đúc sang Kim Ngưu đến ngã tư này không bị ùn tắc vì lượng xe cộ lớn như hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư 168 tỷ đồng, xây dựng bằng kết cấu thép trực thông. Cầu có chiều dài 232m, chiều rộng 12m, móng cọc khoan nhồi, có tường chắn và đường dẫn hai đầu cầu; chiếu sáng trên cầu và dưới cầu. Đơn vị thi công phần cầu chính là Công ty cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long.
Sau gần 5 tháng thi công, dự án hoàn thành 50% tiến độ, trên 70% các dầm thép đã được lắp đặt. Phần mặt chính và hai đường dẫn lên cầu đang tiếp tục được hoàn thiện. Sở GTVT Hà Nội tính toán dự án sẽ về đích trước Tết Dương lịch 2017. Tiếp đó, sáng 30/7, dự án cầu vượt nút giao đường Cổ Linh và đường gầm cầu Vĩnh Tuy được khởi công. Đại diện chủ đâu tư là Ban QLDA Giao thông 3 (Sở GTVT Hà Nội), Đơn vị thi công xây lắp là Công ty CP tập đoàn Công Nghiệp Quang Trung, Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng. Cầu vượt được xây dựng trực thông theo hướng Cổ Linh bằng kết cấu thép, lắp ghép móng cọc khoan nhồi. Cầu có bề rộng cầu 12m và dành cho cả xe tải đi qua. Quy mô dự án xây dựng. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 161 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào 31/12/2016.
Gần đây nhất, sáng 5/10, UBND TP Hà Nội khởi công dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long. Dự án có tổng chiều dài 5,5km, mặt cắt ngang được mở rộng từ 56 lên 93m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn hỗn hợp. Trên 5,5 km đường sẽ có 5 cầu vượt đi bộ.
Dự án này có tổng mức đầu tư 3.110 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 820 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 1.820 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 100 tỷ đồng. Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Để mở rộng tuyến đường, Hà Nội phải thu hồi trên 391.900 m2 đất, giải phóng mặt bằng 796 hộ và 55 cơ quan, bố trí 609 căn hộ tái định cư. Một dự án giao thông khác vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt hồi cuối tháng 8 là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.765 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BT, dự kiến xây dựng trong 48 tháng. Theo đó, tuyến đường Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở sẽ có chiều dài hơn 5km, nằm trong giải phân cách tuyến đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy). Diện tích đất sử dụng khoảng 10,4ha.
Về dự án này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|