KINH TẾ, XÃ HỘI |
Thủ tướng muốn hàng ‘made in Vietnam’ sang Nhật Bản nhiều hơn nữa
(27/05/2016)
Khẳng định người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa "Made in Japan" và sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện... "Made in Việt Nam" đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Văn phòng Chính phủ cho biết, chiều nay (26/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản. Chủ đề của cuộc đối thoại lần này là “Việt Nam hội nhập và phát triển”. Đây cũng hoạt động đầu tiên của Thủ tướng trong chương trình thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G7 trên cương vị mới.
Nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2020 "Ngài cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã từng nói tình bằng hữu Việt - Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim” và ngày mai tôi sẽ dậy thật sớm đi thăm Đền Ise Shima để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản và “cùng chung nhịp đập trái tim” với các bạn" - Thủ tướng bắt đầu bài phát biểu trước đông đảo các doanh nhân Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, góp phần tích cực phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam, nổi bật gần đây nhất là Cầu Nhật Tân- nhịp cầu kết nối bền vững tình hữu nghị Việt - Nhật. Về đầu tư, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 39 tỷ USD. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau. Hai nước đang tích cực triển khai "Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030" tập trung vào các ngành công nghiệp điện tử; chế biến nông sản, thủy sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy nông nghiệp; đóng tàu; công nghiệp và phụ tùng ô tô. Giao lưu nhân dân cũng đạt kết quả ấn tượng, năm 2015 có trên 855.000 lượt người hai nước đi thăm lẫn nhau, trong đó có 670.000 lượt người Nhật Bản sang Việt Nam kinh doanh, du lịch và khoảng 185.000 lượt người Việt Nam đi thăm, làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt, hiện nay có trên 15.000 du học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Trong thời gian tới, Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản, các dự án phát triển hạ tầng, dự án theo hình thức PPP, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm đối với các dự án khởi nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về thương mại, với việc triển khai Hiệp định TPP, Thủ tướng khẳng định, hai nước hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 60 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện "Made in Việt Nam" đến với người tiêu dùng Nhật Bản. "Người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa Made in Japan, chúng tôi sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản", Thủ tướng khẳng định. Về du lịch, Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác để phấn đấu trong thời gian tới số người đi thăm qua lại giữa hai nước sẽ tăng gấp đôi hiện nay lên khoảng 1,5 triệu lượt người. Thủ tướng cho rằng, hai bên cần sớm mở thêm các đường bay thẳng và đề nghị Nhật Bản đơn giản hoá thủ tục visa cho du khách Việt Nam. Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2015, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011, là một trong 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao nhất năm 2015. Với dân số 92 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 2.100 USD, quy mô và sức mua của thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định của châu Á. Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại lớn hơn Indonesia, Phillippines và đang tiệm cận mức của Malaysia, Thái Lan. Kim ngạch thương mại giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân khoảng 15%, đạt 330 tỷ USD năm 2015 (gấp 1,6 lần quy mô GDP), định hướng đến năm 2020 đạt khoảng 600 tỷ USD.
Việt Nam đã thu hút gần 290 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 22.000 dự án từ 114 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã giải ngân được gần 145 tỷ USD. Hiện đang có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư kinh doanh thành công ở Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và những tập đoàn hàng đầu như Toyota, Mitsubishi, Honda, Sony... "Chúng tôi trân trọng sự đóng góp quý báu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản", Thủ tướng nói. Đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN (với dân số 650 triệu người, GDP đạt 2.500 tỷ USD), đã ký 13 hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định TPP mà Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tất cả 7 thành viên G7 và 15/20 thành viên Nhóm G20. Thủ tướng cũng nhìn nhận rằng, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, hiện nay môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. "Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh", Thủ tướng cho biết. Theo đó, trước tiên là tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế, trong ba năm tới, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nước ngoài nói chung tham gia đầu tư, trở thành cổ đông chiến lược. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh thuận lợi ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2017 về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng. Thứ ba, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng đô thị, khuyến khích đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư và kinh doanh khai thác các công trình hạ tầng. Thứ tư, phát triển nhân lực được coi là một khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút nguồn lực tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Khuyến khích tinh thần “khởi nghiệp”, nhất là trong thanh niên trẻ, phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|