KINH TẾ, XÃ HỘI |
Tăng giám sát để dòng vốn huy động chảy đúng chỗ
(03/03/2015)
Nhận định về triển vọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2015, ông Nguyễn Thế Minh - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SHBS nhìn nhận, thị trường có thể vận động khả quan hơn nhưng khó có thể tăng trưởng đột biến. DN đang vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2014, cá nhân ông nhìn nhận về thị trường năm qua như thế nào? - Nhìn lại năm 2014, VN-Index đạt 540 điểm vào ngày giao dịch cuối năm không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT) và thị trường khi trước đó, nhiều thành viên đều có niềm tin về một kịch bản sẽ đạt mốc 600 điểm. Thành tích thanh khoản dù theo tổng kết tăng mạnh song tôi cho rằng, cần được nhìn nhận đúng đắn, bởi trong nhiều phiên giao dịch, thanh khoản chỉ tập trung ở rất ít mã chứng khoán, trong đó có nhiều mã đầu cơ. Trong năm, có thể thấy rõ 2 con sóng giảm xuất phát từ sự kiện Biển Đông hồi tháng 5 và sự ra đời của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trùng với thời điểm giá dầu tụt dốc.
Tổng kết của ngành ngân hàng cho thấy, mặc dù lãi suất tiền gửi xuống thấp nhưng người dân vẫn có xu hướng gia tăng tiền gửi vào ngân hàng. Chứng khoán chưa đủ lực kéo mạnh tiền tiết kiệm trong dân. Theo ông, nguyên nhân do đâu? - Để thu hút được người dân bỏ vốn vào thị trường, theo tôi, có rất nhiều việc cần thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất, chúng ta cần soi lại chức năng của TTCK, đó là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho DN, cho nền kinh tế. Năm qua, trên TTCK có không ít DN hoạt động sản xuất, kinh doanh không tốt mà vẫn huy động được vốn, liệu đồng vốn này có được sử dụng đúng mục đích, sinh lời hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng của NĐT? Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ được NĐT, giữ niềm tin lâu dài của họ với thị trường? Nếu tôi nhớ không nhầm thì đã từng có tuyên bố từ cơ quan quản lý rằng, cần kiểm tra việc sử dụng vốn của những tổ chức phát hành tăng vốn, nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ yêu cầu DN hoàn trả lại tiền cho NĐT. Nếu làm được điều này, mạnh tay với các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích, dòng vốn mới chảy vào đúng địa chỉ, vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp của DN, tạo ra sự luân chuyển lành mạnh, bền vững của dòng tiền. Hiện nay, trên TTCK, việc đổ vốn vào DN dường như mới là cuộc chơi của các nhà đầu cơ, họ không quan tâm đến phương án sử dụng vốn của DN mình góp vốn vào, mà họ chỉ thực hiện mua, bán cổ phiếu nhằm hưởng chênh lệch giá. Vậy còn sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô thì sao, liệu đây có phải yếu tố tích cực tác động đến TTCK năm 2015, thưa ông? - Đúng như vậy, nền kinh tế vĩ mô đang khởi sắc, thặng dư thương mại tốt, kiều hối năm 2014 đạt kỷ lục (hơn 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay). Giá dầu giảm sẽ tạo ra những tác động tích cực chứ không tiêu cực như nhiều NĐT nhận định, bởi dù có thể ảnh hưởng đến DN ngành dầu khí nhưng các ngành khác lại đang hưởng lợi. Năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý rất tốt câu chuyện hệ thống, làm được những vấn đề cơ bản, bởi vậy, bước vào năm 2015, tôi tin đây sẽ là ngành trụ cột, ổn định, giúp cho nền kinh tế khởi sắc. Tuy nhiên, chúng tôi đã nghiên cứu các TTCK trên thế giới và thấy một điểm chung rằng, ở bất kỳ thị trường nào có các sự kiện lớn trong hoạt động chính trị thì năm đó thị trường khó có những đột biến, sự khởi sắc chỉ có sau khi nền kinh tế đó ổn định được bộ máy, hoàn thiện các chính sách điều hành vĩ mô. Nói vậy có nghĩa, năm 2015, chứng khoán vẫn khó cạnh tranh với tiền gửi ngân hàng và các kênh đầu tư khác? - Ở một chừng mực nào đó, tôi tin là như vậy. NĐT nhỏ lẻ cần được bảo vệ tốt hơn để có thể gắn bó dài hạn với thị trường. TTCK tự mình phải tốt lên đã. Tôi tin rằng, thị trường sẽ bùng nổ như giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 sau năm 2015. Bởi vậy, riêng tôi và DN xem năm 2015 là khoảng thời gian để chuẩn bị các điều kiện, củng cố năng lực cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội. Xin cảm ơn ông! Theo Kinh tế Đô thị
CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|