KINH TẾ, XÃ HỘI |
Nỗi lo từ những cây cầu
(10/12/2014)
Cầu yếu, xuống cấp, tuy nhiên, việc tu sửa cũng chỉ thực sự được quan tâm trong những trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, nhiều dự án cải tạo, xây dựng cầu mới thay thế cầu cũ vẫn "dậm chân tại chỗ".
Nước đến chân mới nhảy Hiện nay, công tác nâng cấp hạ tầng cầu đường có 3 dạng gồm: Sửa chữa thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Tuy nhiên, theo ông Vương Minh Hoan - Phó Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Sở GTVT Hà Nội), kinh phí TP rót xuống cũng chỉ đủ để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, còn các trường hợp đột xuất (tình thế bắt buộc phải đại tu hoặc thay mới) thì chỉ khi nào cầu xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sập thì mới cấp kinh phí đột xuất để làm. Điển hình, cầu treo 19/5 (thị xã Sơn Tây). Cầu xây dựng từ năm 1987, được sửa chữa cải tạo năm 2003. Mỗi ngày, cầu treo này "gánh" hàng ngàn lượt người và phương tiện qua lại, cộng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên chất lượng cầu bị ảnh hưởng. Nhiều người dân nơi đây chia sẻ, trước khi bị sập, trên cầu đã xuất hiện nhiều vết nứt ở kết cấu dầm - mố cầu, nhiều điểm tại thành - chân cầu bị hoen gỉ, hư hỏng nặng song vẫn không được bảo dưỡng thường xuyên. Hệ quả là đến ngày 15/7/2014, cầu 19/5 bị gãy. Sau khi sự cố xảy ra, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu UBND thị xã Sơn Tây khẩn trương tiến hành tháo dỡ cầu treo 19/5, thực hiện dự án xây dựng cầu mới, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hay sự cố cầu Văn Quán bắc qua kênh Yên Cốc, thuộc xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Cầu được xây dựng từ những năm 1970, vì không được tu sửa thường xuyên nên trung tuần tháng 7/2014, cầu đã bị sụp. Sau khi cây cầu này gặp sự cố, người dân không có lối đi, UBND TP Hà Nội mới có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án khắc phục. Nhiều dự án dang dở Nhằm cải thiện việc đi lại cho người dân, TP Hà Nội đã phê duyệt một loạt dự án cải tạo, xây cầu mới thay thế cầu cũ đã xuống cấp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó nan giải nhất vẫn là khâu GPMB và bài toán vốn khiến nhiều dự án chưa thể triển khai hoặc bị bỏ dở giữa chừng. Đơn cử, cầu Ngọc Hồi nằm trên QL1A thuộc địa phận huyện Thanh Trì, được liệt vào danh mục cầu yếu, và đã có dự án xây cầu mới. Dự án được khởi công và đã hoàn tất thi công đơn nguyên trái, nhưng hiện đang gặp vướng mắc trong khâu GPMB, cụ thể là xác định nguồn gốc đất của 24 phương án thuộc xã Ngọc Hồi nên chưa thể tiếp tục thực hiện. Tại huyện Chương Mỹ, đơn vị thi công dự án cầu Thuần Lương hiện đã phá dỡ cầu cũ, thi công xong đường tránh cầu tạm và đang chuẩn bị lao lắp dầm. Tuy nhiên, dự án đang tạm ngưng do thiếu vốn. Một số cầu khác như cầu Đầm Mơ hay cầu Hạ Dục (cũng thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ) mới đang triển khai công tác GPMB. Hay tại huyện Ba Vì, 5 dự án cầu mới thay thế cầu yếu, hiện cũng đều dang dở do trong năm 2014 chưa được TP bố trí vốn. Thực tế hiện nay, hầu hết cầu yếu đều nằm ở khu vực ngoại thành, những địa phương đang rất mong mỏi có được hạ tầng giao thông tốt để phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc các dự án chậm được triển khai hoặc dở dang, đã và đang vô hình chung khiến ngoại thành lâm vào tình trạng "nghẽn mạch giao thông". Đây cũng chính là một trong những rào cản đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ngoại thành.
CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|