KINH TẾ, XÃ HỘI |
Hà Nội phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực
(13/02/2023)
Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD. Tuyến đường sắt tốc độ cao của Nhật Bản. (Ảnh: Vietnam+) Kế hoạch đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Theo đó, Hà Nội sẽ nghiên cứu phát triển đô thị và xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai)... với tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 dự kiến đạt khoảng 75%. Nội dung trên được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tại Hội nghị Triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số số 30 -NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 12/2. Hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố đang tiến hành rà soát, nghiên cứu, tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với nội dung: “Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.”
Theo đó, lãnh đạo thành phố cho biết Hà Nội hướng tới phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước đồng thời GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm, theo đó GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Và, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao với GRDP/người đạt khoảng 36.000 USD Với vai trò là hạt nhân của vùng, ông Thanh khẳng định Hà Nội sẽ xây dựng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; nông thôn phát triển hiện đại, hài hòa, có bản sắc tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Theo đó, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm. “Thành phố đặt mục tiêu xây dựng thống giao thông quốc gia hình thành hệ thống giao thông của Thủ đô đồng bộ và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2027, theo đó phấn đấu chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030, tỷ lệ diện tích đất giao thông/đất đô thị đến năm 2030 đạt 15-20% và tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 45-50," ông Thanh nói. Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, ông Trần Sỹ Thanh cho biết Hà Nội sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Thủ đô sẽ tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội Vùng, liên Vùng, quốc tế, gồm Hành lang kinh tế Bắc-Nam; Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc)-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh./. Theo Vietnam+ CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|