Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
Dự án thoát nước 8.000 tỷ cán đích: Nội đô sẽ hết ngập? (09/12/2016)

Qua 8 năm thi công, với nhiều lần gia hạn do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) không đảm bảo tiến độ, đến tháng 11/2016, Dự án thoát nước giai đoạn II của thành phố Hà Nội đã về đích. Với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng dự án được kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm tình trạng ngập lụt tại các quận, huyện mà dự án đi qua.


Ngoài mục tiêu thoát nước, Dự án thoát nước giai đoạn II hoàn thành còn góp phần chỉnh trang đô thị nhiều quận nội thành.

Đội vốn nghìn tỷ vì vướng mắc GPMB

Dự án thoát nước giai đoạn II của Hà Nội là dự án trọng điểm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản. Dự án được khởi động từ năm 2006, đến cuối năm 2008 bắt đầu triển khai thi công. Với mục tiêu chống ngập úng do nước mưa cho đô thị vùng lõi của Thủ đô trong lưu vực sông Tô Lịch (có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng) rộng 77,5 km2, đảm bảo tiêu thoát nước trong 10 năm ứng với lượng mưa là 310mm/2 ngày.

Thi công từ tháng 11/2008, dự án đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã bị ảnh hưởng rất nhiều do những vướng mắc về GPMB, thậm chí một số trường hợp nhà thầu còn rút phương tiện vì không được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Vì những khó khăn trên, dự án được làm thủ tục gia hạn đến năm 2015, sau đó là kéo dài đến cuối năm 2016. Để tháo gỡ khó khăn, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội đã liên tục đốc thúc, đưa ra các giải pháp giúp chính quyền địa phương có dự án đi qua tháo gỡ khó khăn về công tác GPMB nhưng việc bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Giải thích việc dự án chậm tiến độ, đại diện Ban Quản lý (BQL) Dự án Thoát nước Hà Nội cho biết, do công tác quản lý đất đai trước đây có nhiều bất cập, hồ sơ lưu giữ không đầy đủ, số liệu giao đất không phù hợp với thực tế gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất làm cơ sở lên phương án đền bù cho người dân. Trong khi đó, dự án lại phải thực hiện một khối lượng công tác GPMB quá lớn, việc GPMB trải dài trên 8 quận, huyện với gần 9.000 phương án GPMB.

Những vướng mắc GPMB khiến cho công tác bàn giao mặt bằng nhỏ lẻ, không liền tuyến, phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần phương án thi công, phải thi công cuốn chiếu từng đoạn, từng tuyến ngắn dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế của nhà thầu. Bên cạnh đó, công tác thi công còn gặp nhiều khó khăn do mặt bằng thi công chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành, địa hình nhỏ hẹp, đường thi công độc đạo,…

Khó khăn về GPMB khiến nhiều gói thầu buộc phải gia hạn, dẫn đến tổng vốn đầu tư bị đội lên trên 1.000 tỷ đồng. Theo dự toán ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 6/2016, tổng vốn đầu tư dự án đã được điều chỉnh lên mức trên 8.000 tỷ đồng. Trong đó, phần đội giá nhiều nhất là chi phí GPMB chứ không phải phần xây lắp thiết bị.

Khu vực nội đô sẽ thoát cảnh ngập lụt?

Sau khi dự án được gia hạn đến hết tháng 12/2016, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là đôn đốc UBND các quận, huyện đẩy nhanh GPMB ở những “điểm đen” giúp cho nhà thầu có mặt bằng thi công. Thông tin từ BQL Dự án thoát nước Hà Nội cho biết, đến hết tháng 10/2016, công tác thi công các hạng mục của dự án đã cơ bản hoàn thành (16/16 gói thầu). Hiện nay, nhà thầu, BQL Dự án, đơn vị tư vấn và các bên liên quan đang tiến hành dọn dẹp công trường, hoàn thiện, kiểm tra, nghiệm thu, làm thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng.

Trong đó, có nhiều gói thầu đảm nhận khối lượng thi công lớn và phức tạp như: Cải tạo 16 tuyến kênh mương thoát nước lưu vực sông Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét (gói thầu 3); Thay thế 9 cầu bắc qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và hơn 17km đường công vụ dọc sông Lừ, Sét (gói 5.1); Cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin (gói 5.2); Cải tạo hồ Bẩy Mẫu, Đống Đa, Hố Mẻ, Hào Nam với diện tích khoảng 39ha (gói 6.1); Gói cải tạo hồ Linh Đàm và Định Công, với diện tích khoảng 96ha (gói 7); Xây dựng 52 tuyến cống với độ dài khoảng 26 km, đường kính cống từ D600mm đến cống hộp 3mx3m (gói 9 và 9.1)....

Đánh giá về hiệu quả Dự án thoát nước giai đoạn II sau khi đưa vào sử dụng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Dự án thoát nước giai đoạn II hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tiêu, thoát nước của thành phố. Phạm vi dự án bao phủ lên đến 77,5km2 nên phần lớn khu vực nội đô sẽ thoát khỏi tình trạng ngập lụt như: Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Trì... Việc tiêu thoát nước sẽ luôn đảm bảo ở mức 310mm/2 ngày đêm, đúng theo thiết kế phê duyệt.

Các hạng mục công trình chính của dự án bao gồm: Nâng cấp trạm bơm đầu mối Yên Sở từ 45m3/s lên 90 m3/s; Cải tạo hồ điều hòa Linh Đàm, Định Công, 11 hồ nội thành và 12 trạm bơm cục bộ trên hồ với diện tích khoảng 170ha; Cải tạo hệ thống kênh mương thoát nước trong nội thành (dài khoảng 25 km) thuộc lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu với 30 tuyến kênh mương; Xây dựng và cải tạo đường công vụ dọc các sông Tô Lịch, Lừ và Sét (30,5 km); Cải tạo và xây dựng 52 tuyến cống nội thành với độ dài khoảng 26 km; Xây dựng trạm xử lý nước thải hồ Bẩy Mẫu công suất 13.300 m3/ngày đêm...

 

Theo Tienphong.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: