KINH TẾ, XÃ HỘI |
Bộ Xây dựng trả lời một số kiến nghị tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018
(13/05/2019)
Bộ Xây dựng đã có văn bản phúc đáp Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc triển khai kết quả Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu xử lý các kiến nghị của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp. Kiến nghị liên quan đến Thông tư số 07/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (điểm 69 mục XII Phụ lục kèm theo Văn bản số 418/BKHĐT-ĐTNN) với nội dung như sau: “Giá dịch vụ không khả thi về mặt tài chính trong các dự án PPP về xử lý chất thải: Tất cả các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải đều phải tuân thủ quy định của Thông tư số 07/2017/TT-BXD (Thông tư 07) về giá xử lý chất thải rắn. Trong khi đó các quy định về tính giá chất thải rắn trong Thông tư 07 không phù hợp với các dự án PPP. Thông tư 07 giới hạn mức lãi trên chi phí của dự án là mức 5%, gây khó khăn cho việc huy động vốn cho các dự án xử lý chất thải. Kiến nghị: Luật PPP mới cần có các quy định cho phép các bên tham gia PPP được thương lượng và thống nhất một mức giá dịch vụ phù hợp và hiểu về thương mại mà không bị hạn chế bởi các quy định về giá đối với các dự án đầu tư không theo mô hình PPP trong cùng lĩnh vực đầu tư”. Theo Bộ Xây dựng, đối với nội dung về giá dịch vụ xử lý chất thải: Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Thông tư số 07/2017/TT-BXD được xác định trên cơ sở các chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình đầu tư và khai thác, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với điều kiện thực tế thực hiện dịch vụ, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của địa phương. Mức lợi nhuận tối đa 5% đã được Bộ Xây dựng tổng hợp, tính toán và xác định dựa trên số liệu thu thập qua quá trình theo dõi, quản lý phù hợp với thực tế thực hiện tại các nhà máy, các địa phương trong cả nước, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của đối tượng xả thải, lợi ích của cơ sở xử lý và lợi ích của Nhà nước, nhằm cân đối lợi ích giữa quá trình vận hành của đơn vị xử lý rác và khả năng chi trả của ngân sách cho loại hình dịch vụ này, do hiện nay phần lớn cho phí chi trả cho lĩnh vực xử lý rác thải đều được thanh toán từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để có thể thu hút, kêu gọi nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Xây dựng dự kiến phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế quản lý cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, sửa đổi cơ chế định giá xử lý, giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp hơn với từng mô hình doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp tục theo dõi, tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện và các chi phí có liên quan đến quá trình xử lý rác thải để có thể nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy định đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thu hút ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Đối với kiến nghị “Luật PPP mới cần có các quy định cho phép các bên tham gia PPP được thương lượng và thống nhất một mức giá dịch vụ phù hợp và hiểu về thương mại mà không bị hạn chế bởi các quy định về giá đối với các dự án đầu tư không theo mô hình PPP trong cùng lĩnh vực đầu tư”, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Về kiến nghị liên quan đến hạn chế đối với người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam (điểm 70 mục XII Phụ lục kèm theo Văn bản số 418/BKHĐT-ĐTNN) với nội dung: “Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/7/2015; và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99), quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 10/12/2015. Nghị định 99 yêu cầu Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh. Theo Văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19/4/2017 của Bộ Công an và Văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19/10/2016 của Bộ Quốc phòng, chúng tôi hiểu rằng việc này đã được thực hiện. UBND cấp tỉnh phải dựa trên các văn bản hướng dẫn nêu trên của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để chỉ đạo các Sở Xây dựng cấp tỉnh xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở. Đối với trường hợp cụ thể của TP Hồ Chí Minh, dựa trên các thông tin được công bố, chúng tôi hiểu rằng việc này đã được thực hiện vào tháng 7/2017. Công việc cuối cùng là xác định các dự án nhà ở thương mại mà cá nhân và tổ chức nước ngoài không được phép sở hữu nhà ở và công bố các thông tin đó lên mạng nay sẽ do các Sở Xây dựng cấp tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, các Sở Xây dựng cấp tỉnh chưa cho thấy bất kỳ tiến triển nào từ phía mình. Vì thế, việc trì hoãn kéo dài này thực sự làm cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài mong muốn mua nhà ở tại Việt Nam lo ngại. Hạn chế về mặt kỹ thuật đối với việc đăng ký quyền sở hữu nhà: Số căn hộ mà người nước ngoài được quyền sở hữu trong một tòa nhà chung cư bị giới hạn ở mức 30%, nhưng Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng ở địa phương chưa áp dụng một hệ thống cần thiết để đăng ký và theo dõi số lượng căn hộ thuộc sở hữu của người nước ngoài trong một dự án nhất định. Vì vậy, thị trường thứ cấp đã bị đóng băng hoàn toàn. Do đó, kiến nghị các Sở Xây dựng cấp tỉnh nên làm việc chủ động hơn với các UBND để giải quyết sớm các vấn đề bằng cách công bố danh sách các dự án mà người nước ngoài không được quyền sở hữu nhà ở”. Theo Bộ Xây dựng, việc sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đã được quy định cụ thể tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Theo đó, Luật Nhà ở 2014 quy định rõ về đối tượng, điều kiện của tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Tại khoản 2, Điều 75, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP có quy định “Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương và có văn bản thông báo cho UBND cấp tỉnh làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở”. Thực hiện quy định nêu trên, Bộ Quốc phòng đã có Văn bản số 10328/BQP-TM ngày 19/10/2016, Bộ Công an đã có Văn bản số 786/BCA-TCAN ngày 19/4/2017 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong các văn bản này đã hướng dẫn cụ thể việc xác định các khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng không cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở. Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 82/BXD-QLN ngày 15/5/2018 và Văn bản số 581/BXD-QLN ngày 27/3/2019 gửi Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh về nội dung nêu trên. Trong thời gian tới, theo chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đôn đốc các địa phương trong việc công khai các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có việc đôn đốc trách nhiệm của Sở Xây dựng các địa phương thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 76 và Khoản 1, Điều 79 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Theo Baoxaydung.com.vn CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|