Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
Bộ mặt đô thị, nông thôn Hà Nội thay đổi sau 10 năm mở rộng địa giới (25/05/2018)

Chiều 24/5, đại diện các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý đã có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận, khẳng định báo cáo cần tập trung sâu hơn vào những tác động của việc điều chỉnh địa giới hành chính đối với chất lượng cuộc sống người dân và làm rõ nhiệm vụ, kết quả công tác quy hoạch Thủ đô.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, sau khi thực hiện hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, đạt trung bình 7,4%/năm; giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì và phát huy; an sinh xã hội được đảm bảo; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho Thủ đô.

Đặc biệt, ngay sau khi hợp nhất, thành phố đã thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng diện, quan tâm đầu tư chuẩn hóa giáo dục, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đã đạt 62%. Trong lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị được đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công… ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, sau 10 năm hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; các nguồn lực về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được phát huy tối đa; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; văn hóa-xã hội chưa theo kịp sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Thủ đô. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập; chất lượng, hiệu quả hợp tác, đối ngoại để thu hút nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô còn hạn chế ở một số mặt.

Những khó khăn, tồn tại xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như tình hình thế giới diễn biến phức tạp; Hà Nội là địa bàn trọng điểm, đặc thù; dân nhập cư gia tăng gây áp lực quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hiệu quả giải quyết công việc ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo…

Thời gian tới, với mục tiêu đạt mức tăng trường GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018-2020 đạt trên 7,4%/năm, GRDP năm 2020 đạt trên 126 triệu đồng/người/năm, thành phố Hà Nội xác định phải nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, công nghệ cao.

Đồng thời, để phát triển văn hóa-xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và cả nước, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trường chất lượng cao ở tất cả các bậc học, cấp học; phát triển đồng bộ hệ thống y tế; tăng cường phòng ngừa khắc phục ô nhiễm, khôi phục và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảm đảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa thành thị và nông thôn.

Song song với các nhiệm vụ kể trên, Hà Nội cũng đạt mục tiêu hoàn thiện xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đồng bộ kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp điện, cấp, thoát nước; tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, hoàn thành chỉ tiêu trên 80% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; mở rộng hoạt động đối ngoại và hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Qua nghiên cứu, đa số các đại biểu cho rằng, dự thảo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổng thể là một báo cáo tốt, được thể hiện một cách cụ thể, chi tiết, tuy nhiên còn mang dáng dấp của một bản báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2008-2018, mà chưa thực sự bám sát vào những thay đổi sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

Giáo sư-tiến sỹ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý, báo cáo cần phân tích kỹ hơn vào những điểm tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế đó để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực. Một số nội dung đề xuất trong báo cáo tuy phù hợp với nhu cầu của Hà Nội nhưng chưa đúng với nội dung đánh giá tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần nghiên cứu và sắp xếp lại.

Bên cạnh ý kiến cần làm rõ tác động của việc điều chỉnh địa giới hành chính, đa số đại biểu đều cho rằng, báo cáo phải làm rõ hơn việc thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu Thủ đô sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, báo cáo tổng kết 10 năm Hà Nội hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính là báo cáo có tính chất chuyên đề, nên cần bám sát vào mục tiêu ban đầu và đánh giá tác động của việc điều chỉnh địa giới hành chính đối với cuộc sống người dân Thủ đô.

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, nói đến mở rộng địa giới hành chính tức là nói đến lợi thế về quy mô, đặt trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang chuyển sang cơ chế thị trường. Trước hết, báo cáo cần khẳng định việc mở rộng địa giới hành chính là đúng đắn, nhưng cần làm rõ quá trình triển khai có đúng quy hoạch hay không, “điểm nghẽn” của Hà Nội hiện nay là gì? Khi soạn thảo báo cáo phải nhìn thẳng vào sự thật, phân tích rõ về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị thành phố để đưa ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp, xứng tầm.

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ban soạn thảo báo cáo sẽ nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, bổ sung báo cáo một cách hoàn thiện, đầy đủ nhất và trình lên Quốc hội.

Theo TTXVN/VIETNAM+

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: