KINH TẾ, XÃ HỘI |
Bộ Công Thương tạo "áp lực cho ai đó còn chần chừ’
(25/09/2017)
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng việc Bộ Công Thương tự đề xuất cắt bỏ đến 675 điều kiện kinh doanh có thể xem là một quyết định lịch sử, rất đáng được hoanh nghênh, ủng hộ. “Đây là tấm gương để noi theo cho những bộ muốn cải cách và cũng là áp lực cho ai đó còn chần chừ”, ông nói.
Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh (ĐKKD) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017-2018. Theo đó, 675 ĐKKD được cắt giảm. Con số này được Bộ Công Thương đưa ra sau hơn hai tuần các đơn vị tiến hành rà soát cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các ĐKKD của Bộ. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các ĐKKD, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm đi suốt quá trình cải cách hành chính, hoàn thiện bộ máy, thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, đây là một tín hiệu rất mới. CIEM chính là đơn vị đã có báo cáo rất chi tiết gửi Thủ tướng về thực trạng các ĐKKD hiện nay và đề xuất cắt bỏ gần 2.000 trong tổng số hơn 4.000 ĐKKD. “Từ trước tới giờ chưa từng có trường hợp các bộ tự đề xuất bãi bỏ ĐKKD do chính mình xây dựng và quản lý. Hơn nữa, chỉ bãi bỏ một vài ĐKKD cũng phải trải qua quá trình thảo luận, đấu tranh, tạo áp lực rất lớn từ nhiều bên, thì nay Bộ Công Thương đã tự đề xuất cắt bỏ đến 675 ĐKKD có thể xem là một quyết định lịch sử, rất đáng được hoanh nghênh, ủng hộ”. “Đây là tấm gương để noi theo cho những bộ muốn cải cách và cũng là áp lực cho ai đó còn chần chừ”. Từ đây, các bộ, ngành sẽ nâng cao nhận thức về cách tạo điều kiện cho DN. Đó là cải cách bãi bỏ ĐKKD, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, giảm chi phí cho DN để từ đó giúp cho DN tự do phát triển. Từ đó, hình thành động lực nội sinh mới là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, “chứ không phải chờ mở rộng tín dụng, chờ tăng đầu tư ngân sách”. Đây cũng là cách tốt nhất để khơi dậy và huy động nguồn lực DN để thúc đẩy sức sản xuất của xã hội. Ông Cung cũng chia sẻ rằng ở nhiều bộ, bộ trưởng có thể muốn làm nhưng không nhận được sự đồng thuận của các vụ, cục bên dưới, họ phản đối việc xoá bỏ ĐKKD vì cho rằng ảnh hưởng đến quyền, lợi. Vì thế, nhiều bộ trưởng cũng như những cán bộ quản lý thực sự muốn cải cách rất mong thông qua báo chí, các cơ quan truyền thông, chuyên gia, hiệp hội DN, nhất là các cách làm tốt từ các bộ, ngành khác như Bộ Công Thương để tạo nên luồng dư luận dội lại về chính bộ, ngành của họ, tạo nên áp lực, hỗ trợ cho sự thay đổi nội bộ. Trước những nghi ngại rằng đây mới chỉ là bước đề xuất ban đầu, quá trình bãi bỏ có thể sẽ kéo dài, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đề xuất này là bước đầu tiên nhưng cũng là bước quan trọng nhất, mang tính quyết định, các bước sau nhiều khi chỉ thiên về kỹ thuật. “Quyết định nêu cũng rất rõ ràng, cụ thể ĐKKD gì, nằm ở khoản nào, của nghị định nào rồi thì việc soạn thảo Nghị định sửa đổi rất đơn giản”. Theo ông, kinh nghiệm cho thấy việc sửa đổi các nghị định có thể được thực hiện bằng hình thức rút gọn trong vòng 3 tháng từ lúc có dự thảo đến lúc thông qua, như vậy, nếu thực sự khẩn trương từ nay đến cuối năm có thể dứt điểm xoá sổ các ĐKKD này. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi các bên chia sẻ, cùng góp ý, tham vấn để thực hiện đúng về trình tự, nội dung, pháp lý, đồng thời, giám sát để thúc đẩy quá trình được diễn ra nhanh hơn. “Nhiều người hỏi tôi về các ĐKKD bị xoá bỏ nhưng sau đó lại ‘tái mọc’, tôi cho rằng tái mọc hay không là do sự khác nhau ở tư duy quản lý. Nếu vẫn giữ tư duy theo lối tiền kiểm, bằng cách kiểm soát và kìm nén chỉ cho DN làm trong phạm vi quản lý của mình, thì tôi khẳng định ĐKKD sẽ cứ cắt lại mọc”, ông nói. Ngược lại, nếu thay bằng tư duy quản lý thông qua điều tiết, thúc đẩy, hỗ trợ và chuyển mạnh từ tiền kiểm (đặt ra những điều kiện về quá trình đầu vào của sản xuất) sang quản lý theo hướng hậu kiểm (kiểm soát chất lượng của sản phẩm, dịch vụ) thì lúc đó sẽ rất hạn chế bổ sung thêm ĐKKD. “Với trường hợp của Bộ Công Thương, họ đã có quan điểm, tư duy quản lý như vậy thì chúng ta không phải lo ngại ĐKKD này sẽ quay trở lại vì bản thân trong bộ sẽ có sự kìm nén, không ‘đẻ’ ra những công cụ mang tính chất điều kiện mà sẽ thay thế bằng những công cụ, cách thức quản lý khác, đó mới là điều quan trọng”, ông Cung nêu quan điểm. TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ kỳ vọng việc cắt bỏ ĐKKD ở Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành khác nói chung sẽ được thực hiện khẩn trương hơn nữa trong thời gian tới. “Bộ đã bải bỏ đến 675 ĐKKD rồi thì bỏ thêm 10-15-20 cái nữa cũng không phải là vấn đề, khi đã nhận thức được việc bãi bỏ này là không thể không làm để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”. CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|