Hacinco giao lưu bóng đá với Sở xây dựng Hà Nội chào mừng Tết Bính Thân 2016        Cận cảnh Làng sinh viên giữa Thủ đô        Lễ công bố Quyết định về công tác cán bộ Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội        Lễ kết nạp đảng viên của chi bộ văn phòng 3        Hội nghị công đoàn công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội
KINH TẾ, XÃ HỘI
“Tắc đường” tín dụng vào sản xuất (03/07/2014)

Ngay từ đầu năm, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, thế nhưng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đi được 1/10 chặng đường. Vì sao vậy?

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính tới ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đã nhích tăng lên 2,3%. So với 5 tháng đầu năm 2014, tín dụng trong tháng 6 đã tăng thêm khoảng 1%.

“Tuy nhiên, 6 tháng vừa qua dòng tiền các ngân hàng thương mại (NHTM) tập trung 90% vào trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước. Dòng tiền không đi vào sản xuất thực, đang lòng vòng trong hệ thống ngân hàng”, ông Hòe nói.


6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đi được 1/10 chặng đường

Tắc vì cầu yếu

Tín dụng có tăng so với tháng 5, đó là tin mừng, vậy nhưng với 90% lượng tăng trưởng tín dụng đó đang chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng chứ không phải chảy vào sản xuất thì lại là một điều đang quan ngại. Vấn đề đẩy vốn vào sản xuất đang “tắc” ở đâu?

Về vấn đề này, ông Hòe cho rằng do năng lực hấp thụ vốn suy giảm. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu xuất phát từ khu vực đối ngoại (xuất khẩu và FDI), trong khi khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn khó khăn, năng suất thấp.

“Bên cạnh đó, các “ông lớn” DN nhà nước đang trong quá trình loay hoay tái cơ cấu, cổ phần hóa; 2 ngành ngốn khá nhiều vốn vay là sản xuất thép và xi măng điều chỉnh giảm công suất và sản lượng do cầu trong nước giảm thì cơ hội tăng tín dụng chưa nhiều. Còn DN tư nhân thì đang đối mặt với khó khăn do cách thức làm ăn thiếu hợp lý, co cụm vì nợ xấu vẫn đang tồn tại, nên tăng trưởng tín dụng vào nhóm này rất khó”, ông Hòe phân tích.

Vì thế, nói về khả năng tăng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2014, chưa thể kỳ vọng tình hình sáng sủa ngay. “Ba năm qua, nền kinh tế khó khăn, các DN đã bị vắt kiệt sức và suy giảm sức khỏe đáng kể. Nếu cầu nền kinh tế (cầu tiêu dùng, cầu đầu tư, chi tiêu Chính phủ...) không tăng, thì tín dụng ngân hàng không thể ra được”, ông Hòe nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng bình luận, với sức cầu yếu hiện nay, DN thường tận dụng nguồn vốn hiện có chứ không vay ngân hàng nếu không thật sự cần thiết. Hơn nữa, vấn đề nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng cũng khiến nhiều ngân hàng e ngại cho vay DN, vì sợ rủi ro.

Mặc dù, nhiều ngân hàng cho biết hiệu quả của những chương trình triển khai là rất cao, tăng trưởng tín dụng khá tốt, nhưng có ngân hàng thừa nhận tín dụng của họ từ đầu năm tới giờ gần như không tăng, mà nguyên nhân là do thời kỳ khó khăn, nhu cầu tiêu dùng chưa cao, hàng tồn kho vẫn lớn nên DN dè dặt vay tiền ngân hàng.

Thực tế, có nhiều ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cũng tăng, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì thấp hơn nhiều mặc dù liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Dù vậy, ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2014 sẽ khả quan hơn. Giới kinh doanh ngân hàng và chuyên gia cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm sẽ tốt hơn, bởi yếu tố thời vụ, đặc biệt là tháng 12.

Thay đổi cách tiếp cận

Trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết trong hơn 100 tổ chức tín dụng (TCTD), hầu hết đều cho vay mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh với mức cho vay tối đa 70% chi phí đầu tư và giá trị tài sản thế chấp.

“Tuy nhiên, các TCTD đang phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn do nhu cầu vay vốn phục vụ đầu tư, phát triển, sản xuất với kỳ hạn trung và dài hạn là rất lớn, trong khi phần lớn vốn huy động là ngắn hạn. Bên cạnh đó, với kỳ hạn dài thì rủi ro tín dụng của khách hàng cũng cao hơn. Vì vậy, lãi suất các khoản cho vay trung và dài hạn này thường cao hơn so với các khoản vay khác”, Thống đốc giải thích.

Lý do thứ hai, đó là rủi ro nợ xấu. Hiện tỷ trọng dư nợ tín dụng cho khối DN nhỏ và vừa (DNNVV) chỉ chiếm khoảng 25% toàn nền kinh tế, tuy nhiên, số nợ xấu lại nhiều và tổng giá trị tài sản bảo đảm cũng tăng khoảng 7%, qua đó cho thấy mức độ tín nhiệm chung thấp và ràng buộc điều kiện tín dụng cao đối với khu vực này.

Nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, trước đây, khi nhận tài sản bảo đảm để vay vốn trung và dài hạn, ngân hàng vẫn chấp nhận thế chấp bằng tài sản nhà xưởng, máy móc thiết bị, hàng tồn kho... Tuy nhiên, do DN thường thế chấp nhiều ngân hàng để vay vốn, nên khi DN không có khả năng trả nợ, xảy ra tranh chấp, ngân hàng lại phải tham gia kiện tụng để thu hồi phần vốn. Vấn đề này khiến ngân hàng vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn chi phí.

“Bởi vậy, khi NHNN khuyến khích ngân hàng cho DN vay tín chấp dựa trên dự án kinh doanh khả thi, ngân hàng rất e ngại bởi tính minh bạch thông tin từ phía DN”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần chia sẻ.

Theo giới chuyên gia, vấn đề hiện tại, để khơi thông dòng chảy tín dụng vào sản xuất, cả ngân hàng và DN đều phải thay đổi cách tiếp cận. Với DN, đặc biệt là DNNVV, cần phải coi ngân hàng là bạn, chia sẻ những khó khăn vướng mắc để ngân hàng thêm tin tưởng hơn khi cho vay. Còn ngân hàng, do lo ngại rủi ro, nên mặc dù lãi suất cho vay giảm nhiều, nhưng với nhóm DNNVV thì gần như không giảm, điều này khiến họ thêm khó khăn.

“Trong khi DN mạnh được ngân hàng chủ động giảm lãi suất, đề nghị cho vay thêm thì các DNNVV vì nhiều rủi ro nên ngân hàng quyết không hạ lãi suất vì sợ tăng thêm nợ xấu. Chính phủ mong muốn giảm lãi suất cho các DN gặp khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho DN nhưng các ngân hàng lại có sự phân hóa mạnh lãi suất theo thị trường, theo khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng”, Ts. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhận xét.

Theo baoxaydung.com.vn

CÁC TIN KHÁC
   GALLERY
   HỎI ĐÁP
19/01/2013 - Tran dinh khoa
19/01/2013 -
19/01/2013 - Hải Yến
19/01/2013 - nguyễn hữu việt
19/01/2013 - Vũ Quang Dũng
   LIÊN KẾT WEBSITE
 
CÔNG TY ĐẦU TƯ XÂY DỰNG SỐ 2 HÀ NỘI
Trụ sở chính: Số 324 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Văn phòng giao dịch: Nhà điều hành Làng sinh viên Hacinco, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (84-24)35584167 - (84-24)35584168 -(84-24)35572123   Fax: (84-24)35584201   Email: Hacinco@fpt.vn     Website: hacinco.com.vn, hacinco.vn
     Truy cập:   Online: