KINH TẾ, XÃ HỘI |
“Cú hích” phát triển điện mặt trời
(04/10/2017)
Trong bối cảnh phát triển điện mặt trời vẫn còn hạn chế thì Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được coi là một “cú huých” để phát triển nguồn năng lượng này.
Theo đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở nước ta dao động từ 4,3 - 5,7 triệu KWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000 - 2.600 giờ/năm. Bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000 - 5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Tiềm năng là thế, nhưng mãi đến năm 2014 mới có 1 dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên, đó là Nhà máy điện mặt trời Côn Đảo với tổng mức đầu tư khoảng 140 nghìn Euro, được hoàn thành đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước mới bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW. Hai trong nhiều nguyên nhân căn bản khiến việc phát triển điển mặt trời tại Việt Nam còn khó khăn là vốn đầu tư và việc nối lưới các dự án này. TS Trần Thị Thu Trà - chuyên viên Ban quản lý đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, qua thực tế nghiên cứu tại một số quốc gia phát triển điện mặt trời (như Đức) cho thấy “vấn đề đau đầu nhất” chính là vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện khi công suất điện mặt trời lớn. Một khó khăn nữa được TS Trần Thị Thu Trà chỉ ra, đó là lưới điện Việt Nam là lưới xoay chiều, trong khi điện mặt trời là điện 1 chiều nên phải dùng thêm một thiết bị inverter. Nếu các thiết bị inverter không tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các khách hàng sử dụng điện. Tuy nhiên, theo ông Đặng Đình Thống (Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam), điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Ông Thống cho rằng, hiện nay các thiết bị inverter tiên tiến hiện đại của thế giới đã cực kỳ hoàn chỉnh rồi. Hiệu suất của nó cao trên 95 - 96%, tổn hao không đáng kể. Đánh giá về Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là minh chứng cho cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời nhằm đạt các mục tiêu về công suất lắp đặt (850MW vào năm 2020, 4GW vào năm 2025 và 12GW vào năm 2030). Bên cạnh đó, Quyết định này tạo nền tảng pháp lý cho việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào hai phân khúc thị trường điện mặt trời tiềm năng nhất ở Việt Nam, gồm: Dự án nhà máy điện nối lưới và ứng dụng trên mái nhà tại các đơn vị công nghiệp, thương mại tiêu thụ điện năng cao. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới. Giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đ/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương 9,35 cent/kWh). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá USD/VND và giá này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%. Do đó, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg được hy vọng sẽ là một “cú hích” để các DN tham gia đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực này. Đáng chú ý, EVN cũng đang tiến hành đầu tư gần 20 dự án với tổng công suất đặt khoảng 2.000 MW tại các tỉnh Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai… Theo Baoxaydung.com.vn CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|