KINH TẾ, XÃ HỘI |
Đề xuất sửa cùng lúc 5 luật thuế để cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm NSNN
(30/08/2017)
Phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa kết thúc cách đây ít phút, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế hiện đang được Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi là nhằm cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm NSNN cho đầu tư phát triển.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo xin ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế tài nguyên. Về sự cần thiết phải sửa đồng thời 5 luật thuế, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, đây là bước quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, việc sửa cùng lúc 5 luật thuế cũng nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011) cũng như bảo đảm tương thích phù hợp với các luật mới vừa được Quốc hội thông qua như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để góp phần khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; bổ sung chính sách ưu đãi thuế phù hợp cho nhóm cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung thành lập theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV...); Luật Đầu tư (bổ sung chính sách ưu đãi cho một số lĩnh vực ưu đãi đầu tư). “Đặc biệt trong điều kiện tình hình kinh tế-xã hội có nhiều biến động, thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN và Luật Thuế tài nguyên nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Mai nói. Thứ trưởng Vũ Thị Mai chứng minh quan điểm này bằng việc nêu cụ thể những nội dung sửa đổi của từng luật thuế hiện hành. Theo đó, sẽ tập trung sửa đổi 7 nội dung của Luật Thuế GTGT, trong đó có 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: (i) Chuyển phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; (ii) Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT; (iii) Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT; (iv) Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng. Ba nội dung sửa đổi khác nhằm bảo đảm tỉ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: Giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%. Đối với Luật Thuế TNDN, việc sửa đổi sẽ tập trung vào 8 nội dung, trong đó có 3 nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là: (i) Quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho doanh nghiệp siêu nhỏ; (ii) Về tỉ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; (iii) Về bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Luật Thuế TNCN cũng sẽ được sửa đổi 8 nội dung, trong đó 3 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân: (i) Bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tham gia “Cánh đồng lớn”; (ii) Quy định miễn thuế TNCN đối với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện tại các nghị định, quyết định để bảo đảm tính hệ thống, thống nhất; (iii) Bổ sung chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, nông nghiệp, chế biến nông sản. Cần thông tin toàn diện Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng đề nghị phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí cần có sự nghiên cứu toàn diện, để thông tin đầy đủ, tổng thể về chủ trương cũng như các giải pháp kiến nghị điều chỉnh luật của Bộ Tài chính nhằm cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Về ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh thuế GTGT cần có sự kết hợp giữa điều chỉnh thuế suất với việc điều chỉnh các quy định nhằm tiết kiệm chi tiêu, bảo đảm hiệu quả, chống tham nhũng, lãng phí, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để thực hiện tái cơ cấu NSNN, quản lý nợ công, xây dựng nền tài chính an toàn, hiệu quả, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Việc cơ cấu lại chi cũng đã được triển khai. Tái cơ cấu đầu tư công cũng đã được thực hiện quyết liệt với nhiều chính sách từ quy hoạch đến kế hoạch, dự toán, quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách quản lý cơ chế tài chính, bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây sẽ là Đề án rất quan trọng để cơ cấu lại thu-chi tài chính, biên chế, tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, cũng sẽ được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thu-chi ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. “Một trong những mục tiêu của sửa đổi các luật thuế là để cơ cấu lại thu, bảo đảm NSNN”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định. Về ý kiến cho rằng, thuế VAT khiến người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, hiện luật thuế GTGT quy định 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, 15 nhóm dịch vụ, hàng hoá chịu thuế 5%. Dựa trên kết quả khảo sát mức sống dân cư được công bố năm 2014, Bộ Tài chính nhận thấy nhóm người có thu nhập thấp dành tới 59,6% thu nhập để chi cho y tế, thực phẩm và giáo dục. Ngược lại, nhóm người thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng chi cho các nhóm hàng hoá thiết yếu này. Trong khi đó, y tế và giáo dục hiện đang là đối tượng không chịu thuế, lương thực-thực phẩm do người dân sản xuất trực tiếp bán ra cũng không chịu thuế, chỉ có khâu kinh doanh-buôn bán mới chịu thuế ở mức thấp, 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, các mặt hàng đầu vào của nông nghiệp… đều ở mức thuế suất thấp 5%, dự kiến tăng lên 6%. Thuế suất phổ thông hiện là 10%, dự kiến tăng lên 12%. “Bộ Tài chính đánh giá rằng với mức điều chỉnh như vậy, tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo là không nhiều”, bà Mai nói. Về ý kiến cho rằng tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới để đánh giá dựa trên kinh nghiệm của các nước, theo đó tác động sẽ ở mức hạn chế. “Đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xây dựng, trách nhiệm, và Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình một cách trách nhiệm để hoàn thiện Dự án luật trình các cơ quan thẩm quyền thông qua. Bên cạnh đó vẫn có nhiều ý kiến chưa có sự nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về các giải pháp kiến nghị điều chỉnh Thuế của Bộ Tài chính”, bà Mai nói. Theo Chinhphu.vn CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|